Bỏ cấp phép ca khúc trước 1975:  Địa phương phải nâng cao trình độ và trách nhiệm

VHO- Chủ trương đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là việc xem xét bỏ cấp phép ca khúc sáng tác trước năm 1975 và việc phân cấp cho các địa phương đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận.

Bỏ cấp phép ca khúc trước 1975:  Địa phương phải nâng cao trình độ và trách nhiệm - Anh 1

 Chế Linh - Thanh Tuyền thể hiện nhiều ca khúc sáng tác trước năm 1975

 Ủng hộ chủ trương bỏ cấp phép ca khúc sáng tác trước 1975, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho rằng đây là động thái tích cực của Bộ VHTTDL đối với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, cụ thể là việc ứng xử với các ca khúc trước 1975.

Như thế là phù hợp

Đã là người Việt Nam không nên khắc sâu ranh giới quá khứ, phải làm sao để văn hóa nghệ thuật hòa hợp, cùng tôn vinh văn hóa Việt Nam các thời kỳ. Rõ ràng thông qua việc làm này cho thấy, Bộ VHTTDL đã và đang có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tế cuộc sống. Bởi đây là những ca khúc có những đóng góp rất lớn cho đời sống âm nhạc nước nhà.

NSƯT Quốc Hưng cũng cho rằng, chủ trương của Bộ VHTTDL trong việc giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tổ chức, các nghệ sĩ và người hưởng thụ là một giải pháp tốt, phù hợp với thực tế cuộc sống. Đặc biệt, việc bãi bỏ cấp phép ca khúc sáng tác trước năm 1975 là đúng đắn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các nghệ sĩ, ca sĩ khi muốn hát, muốn làm đĩa. Đây là những ca khúc đã đi vào đời sống văn hóa của nhân dân và đều là những ca khúc rất hay.

Rất vui khi biết Bộ VHTTDL đang xây dựng một Nghị định mới thay thế Nghị định 79 nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, ca sĩ Lê Anh Dũng chia sẻ: “Chủ trương của Bộ VHTTDL là xây dựng một Nghị định mới thay thế Nghị định 79 là rất phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay. Đặc biệt, trong Nghị định mới sẽ xem xét bãi bỏ cấp phép ca khúc sáng tác trước năm 1975, điều này không chỉ thuận lợi cho các đơn vị tổ chức biểu diễn, những người làm bầu sô, các ca sĩ mà cho cả người thưởng thức. Lớp trẻ hiện nay rất thích hát các ca khúc nhạc xưa, vì những ca khúc đó có giai điệu và ca từ đẹp. Thật may mắn khi Bộ VHTTDL hướng tới những cái mở, tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động biểu diễn. Đây cũng là hành lang thuận lợi cho việc quản lý, giảm bớt những rủi ro, phức tạp như hiện nay”.

Ủng hộ phân quyền cho địa phương nhưng…

Đồng ý là phân cấp quản lý, thẩm định cho các địa phương, nhưng theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, tất cả đều có hành lang pháp lý vì thế khi giao quyền cho các địa phương phải có những thiết chế để quản lý tốt hơn. Khi giao quyền như vậy sẽ đồng nghĩa với trách nhiệm của các địa phương phải cao. Những người làm văn hóa, nghệ thuật đều biết, bất kỳ một tác phẩm nào khi nhìn nhận nên hay không nên, phù hợp hay không phù hợp, đúng luật hay không đúng luật… là điều không dễ dàng. Vì thế, khi giao quyền cho địa phương, cho các tổ chức cá nhân thì trách nhiệm của những đơn vị này phải được nâng cao.

Khi các thiết chế vẫn còn ở tầm thấp, tầm xử lý nhỏ, thì những vi phạm mang tính kích động, chống đối quan điểm, đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước… sẽ nằm ở phạm trù khác và đã có pháp luật xử lý. Cái chính ở đây là ý thức và sự chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, đơn vị...

“Tôi không thấy lo lắng về việc phân quyền cho các địa phương mà còn thấy đó là điều đáng mừng, vì ngoài các thiết chế văn hóa thì vấn đề xử lý vi phạm trong hoạt động biểu diễn còn nhiều thiết chế khác của pháp luật VN. Việc làm này là đáng mừng cho đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Bản thân tôi cũng như nhiều nghệ sĩ hay các đơn vị tổ chức biểu diễn hoạt động một cách nghiêm túc thì không ngại gì cả mà còn cảm thấy thoải mái hơn vì những thủ tục hành chính đã được giảm đi tối đa. Và khi chúng ta đã hoạt động nghệ thuật và làm việc trong lĩnh vực văn hóa rồi thì đã có đầy đủ trình độ để nhận biết tác phẩm nào phù hợp và tác phẩm nào không phù hợp, tác phẩm nào nên hay không nên sử dụng. Sứ mệnh của những người làm văn hóa nghệ thuật là luôn luôn phải làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn”, nhạc sĩ Quang Long chia sẻ.

Tuy nhiên, nhạc sĩ Quang Long cũng lo lắng, việc phân quyền về địa phương thì trách nhiệm cũng như trình độ của những người làm văn hóa tại các địa phương phải được nâng cao hơn. Đây là điều đương nhiên và là yếu tố tiên quyết. Vì khi Nghị định mới được áp dụng mà không chuẩn bị tốt nhân lực để điều hành nó thì rất có thể sẽ gây nhiễu loạn. Và từ việc quản lý không tốt đó sẽ để lọt lưới những tác phẩm mang tính chất kích động và đến lúc đó lại là câu chuyện khác. Vì vậy, bên cạnh tạo việc hành lang thông thoáng hơn cho hoạt động nghệ thuật thì đồng thời phải có được đội ngũ vận hành công việc này một cách thuận lợi nhất.

Đồng tình với nhạc sĩ Quang Long, NSƯT Quốc Hưng cũng cho rằng, việc phân quyền cho các Sở Văn hóa địa phương là rất cần thiết, vì Cục Nghệ thuật biểu diễn không thể có đủ nhân lực, điều kiện… để có thể theo dõi, kiểm tra, quản lý từng chương trình nghệ thuật. Tuy nhiên, quan điểm sẽ cởi mở hơn trong việc cấp phép phổ biến các ca khúc xưa và có thể phân quyền về địa phương nhưng khi Nghị định mới được ban hành thì việc làm đầu tiên là phải tập huấn cho lãnh đạo cũng như các chuyên viên văn hóa ở các địa phương. Tăng quyền cho các địa phương đồng nghĩa với việc các địa phương phải chứng minh khả năng cũng như năng lực của mình. 

Đơn vị tổ chức sẽ có ý thức hơn

Tôi rất mừng với nhiều điểm mới trong dự thảo Nghị định về nghệ thuật biểu diễn đang được xây dựng. Nếu được thực thi sẽ tháo gỡ được những khó khăn mà các nhà sản xuất, nhà tổ chức và ca sĩ gặp phải trong thời gian qua. Với quy định mới này sẽ tạo sự thông thoáng và thuận lợi rất nhiều vì giao quyền tự chủ lại cho các đơn vị quản lý ở địa phương, các công ty tổ chức, như vậy họ sẽ biết bài nào nên làm, không nên làm, họ tự quyết định và chịu trách nhiệm, chứ không còn ỷ lại như trước đây.

Tuy nhiên, theo tôi nếu giao quyền cho các địa phương, mà cụ thể là các Sở VHTT, Sở VHTTDL, tôi e ngại là địa phương này cho còn địa phương khác lại không cho, gây khó khăn cho nhà sản xuất và nghệ sĩ, lúc này chúng tôi không biết vịn vào ai.

(Bà TRƯƠNG THỊ THU DUNG, Giám đốc Trung tâm băng nhạc Rạng Đông TP.HCM)

 “Nếu như lấy cái quyền được duyệt rồi cấm đoán nữa thì cũng như không!”

Tôi rất hoan nghênh nhưng thấy băn khoăn nhất là năng lực và trình độ thẩm định bài hát của những người được giao trọng trách, hay nói đúng hơn là được giao quyền lực này. Duyệt như thế nào thì đòi hỏi anh phải thật sự hiểu biết. Nếu như lấy cái quyền được duyệt rồi cấm đoán nữa thì cũng như không, sợ là anh không hiểu thấu đáo, không hiểu tới sự ra đời, lịch sử của bài hát, anh không hiểu hết vấn đề, nội dung ca từ và ý nghĩa bài hát mà cấm một cách vô tội vạ nữa thì chúng tôi...

Nếu cấm hoặc cho hát (đối với những bài có tính chất nhạy cảm) thì cũng cần có giải thích, phân tích thuyết phục. Sản phẩm văn hóa muốn cấm hay cho thì phải có giải thích thuyết phục, chứ không chỉ nói chung chung được. Tôi nói ví dụ, khi đoàn Trung ương đưa chương trình về tỉnh biểu diễn, tỉnh này cho hát mà tỉnh kia không cho thì cũng mệt. Bởi vậy tôi thấy cũng rất là khó, vì mỗi lãnh đạo địa phương hiểu một kiểu, ông này hiểu một đằng, ông kia hiểu một nẻo thì cũng chết. Đối với nghệ thuật đòi hỏi người thẩm định phải có một trình độ, sự hiểu biết chớ không thể dựa vào cảm tính, hoặc sợ mất ghế mà cấm hết cho chắc thì cũng không được, như vậy sẽ thiệt thòi cho công chúng thưởng thức, khổ cho người tổ chức, tội cho tác giả và tội cho nghệ sĩ. Ngoài ra, không loại trừ trường hợp tiêu cực, chạy chọt bao thư để được duyệt ca khúc, nếu như các ngành quản lý không chặt.

Vì thế với Nghị định mới tôi cho là đã cởi bỏ thiệt thòi cho các ca sĩ trong nước rất nhiều. Ngày nay là giai đoạn hội nhập, nghệ thuật rất nhanh, nếu như quy định đúng nhưng cách làm ở các địa phương không hay, việc xử lý không khéo sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nghệ thuật nước nhà.

(Ca sĩ ÁNH TUYẾT)

 

 THANH NGỌC - THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc